[Review – Mind-mapping] Đường xưa mây trắng – Thích Nhất Hạnh
Hơn một tháng mình mới đọc xong cuốn này, nay ngồi lại viết đôi dòng cho có thói quen viết lách. Có lẽ bạn nào biết mình sẽ thắc mắc sách gì mà đọc lâu thế, thực ra thời gian này mình cũng bận, không đọc thường xuyên được, đôi khi mở Kindle ra đọc được vài phút lại bận đi làm việc khác; thứ hai vì nhiều chỗ mình muốn đọc thật chậm lại để hiểu sâu và nhớ kỹ hơn; thứ ba cũng vì sách hơi dày.
Ban đầu nhìn vào số trang mình cũng thấy khá oải, còn đọc trên Kindle thì mãi mới nhích được từng phần trăm một; thế nhưng toàn bộ cuốn sách như một câu chuyện về Bụt qua một lăng kính khá trung lập mà ở đó Bụt và các đệ tử cũng là những con người bình thường, không phép màu, không thần thông, cũng gặp các khó khăn trong hành trình phát triển tăng đoàn.
Mình rất thích cách thầy Thích Nhất Hạnh gọi là Bụt (Buddha – nghĩa là người giác ngộ), nghe rất gần gũi và ấm áp. Sau đó Bụt xưng Như Lai (Tathāgata – nghĩa là không từ đâu đến, cũng không đi về đâu).
Cách dẫn dắt câu chuyện của thầy cũng rất độc đáo, mở đầu là câu chuyện cậu bé chăn trâu Svastika (sau này là đại đức Svastika) được Bụt cho gia nhập tăng đoàn, sau đó cậu được các thầy kể cho nghe tiểu sử, quá trình thành đạo cũng như đi hành đạo của người. Và đây cũng là câu chuyện đầu tiên mình được nghe về Bụt mà lại chân thực, giản dị đến như thế. Bụt thành đạo bởi những nỗ lực không ngừng nghỉ của người, sau khi thành đạo thì cũng chỉ chân trần, khất thực, giảng pháp,… như các khất sĩ của người mà không viết gì đến thần thông cả. Ngay cả thầy Moggallana – người được mệnh danh “thần thông đệ nhất” cũng bị bỏ qua các chi tiết kỳ ảo đó.
Link mind mapping: https://www.mindmeister.com/map/2390101853?t=XBcy50SlJ0